Hỗ trợ trực tuyến
Tư vấn viên
Bs Trịnh Thị Phượng
Đối tác
Ngón tay bị mọc mụn nước, chảy dịch vàng là bệnh gì?

Chào Bác sĩ.

Cháu tên Trang, 20 tuổi. Cháu có 1 số vấn đề mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ. Cách đây 2-3 năm cháu thỉnh thoảng bị mọc mụn nước thành từng đợt ở mu bàn chân và bàn tay. Nhưng không bị nặng. Cháu cứ nặn mụn ra là nó tự khỏi. Nhưng 3 tháng nay bệnh của cháu có dấu hiệu nặng hơn khi cháu tiếp xúc nhiều với đồ tanh và dầu rửa bát. Giờ mấy ngón tay của cháu thường xuyên mọc mụn nước, rất ngứa. Cháu nặn ra thì có dịch màu vàng. Mụn mọc rất nhiều và dày đặc, đôi khi còn bị nứt ra rất đau. Mấy hôm thì đóng vảy. Nhưng nhiều chỗ ngứa cháu bóc vảy ra thì có nhiều nước bên dưới. Cháu rất lo. Mong bác sĩ cho cháu biết cháu đang bị bệnh gì? Và cách chữa bệnh như thế nào ạ?

Cháu cảm ơn!

 

Chào cháu.

Cháu bị bệnh Eczema (Chàm) mạn tính. Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng triệu chứng bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa, lí do phức tạp nội giới, ngoại giới nhưng bao giờ cũng có vai trò thể địa dị ứng, về mô học có hiện tượng xốp bào (Spongiosis). Là bệnh da ngứa điển hình, mạn tính hay tái phát, chữa trị còn khó khăn. Nguyên nhân phức tạp nhiều khi khó hoặc không phát hiện được. Có thể do:

  • Nguyên nhân ngoại giới  thường là các yếu tố vật lý, hoá học, thực vật, sinh vật học đụng chạm vào da gây cảm ứng thành viêm da, Eczema (các chất này gọi là di nguyên). Ví dụ: ánh sáng, thuốc bôi, tiêm uống, các hoá chất dùng trong công nghiệp, trong gia đình (cao su, kền, crôm, xi măng, sơn...). Một số bệnh ngoài da gây ngứa ( nấm, ghẻ...) do chà xát, bôi thuốc linh tinh... có thể trở thành Eczema thứ phát.

  • Nguyên nhân nội giới thường do rối loạn chức phận nội tạng, rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết có thể là lí do trực tiếp hoặc gián tiếp gây Eczema.

Dù lí do nội giới hay ngoại giới cũng đều có liên quan đến phản ứng đặc biệt của cơ thể dẫn đến phản ứng dị ứng, bệnh nhân có thể địa dị ứng. Triệu chứng bệnh xảy ra ở vị trí có tính chất bất kỳ, vùng da nào cũng có thể bị eczema, tuy nhiên tuỳ theo từng thể lâm sàng hay ở vị trí nào (sẽ trình bày ở phần thể lâm sàng).

Tổn thương cơ bản trong bệnh Eczema là đám mảng đỏ da và mụn nước, mụn nước là tổn thương điển hình của bệnh Eczema. Eczema phát triển qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn đỏ da: bệnh bắt đầu bằng trên da xuất hiện vết hoặc đám đỏ, hơi nề, cộm nhẹ, ranh giới không rõ, rất ngứa - trên nền đỏ xung huyết nhìn kỹ thấy có những sẩn tròn lấm tấm như hạt kê (thực chất là những mụn nước đang từ dưới đùn lên) đây là phản ứng đầu tiên của biểu bì.

  • Giai đoạn mụn nước (còn gọi là giai đoạn chảy nước): mụn nước ngày càng nhiều và xuất hiện trên khắp bề mặt đám tổn thương, mụn nước Eczema có các đặc tính sau: mụn nước nhỏ bằng đầu tăm, đầu kim 1-2 mm, nông, tự vỡ. San sát bên nhau kín khắp bề mặt thương tổn. Đùn từ dưới lên hết lớp này đến lớp khác. Đám tổn thương bề mặt chi chít các mụn nước. Mụn nước nông, tự vỡ và do ngứa gãi nên đám tổn thương bị trợt, chảy dịch nên còn gọi là giai đoạn chảy nước, giai đoạn này kéo dài nhiều ngày hoặc vài tuần, các mụn nước vỡ đi để lại điểm chợt nhỏ như châm kim (còn gọi là giếng Eczema của Devergie) nhiều điểm chợt liên kết thành đám mảng trợt, đỏ rỉ dịch, đồng thời dễ nhiễm khuẩn thứ phát có mủ, vẩy tiết…

  • Giai đoạn lên da non: giai đoạn này đám tổn thương giảm viêm, giảm xung huyết , giảm chảy dịch, các vết chợt khô, đóng vẩy, lên da non thành một lớp da nhẵn bóng như vỏ hành, nền da hơi nhiễm cộm, sẫm màu hơn.

  • Giai đoạn liken hoá, hằn cổ trâu: Eczema tiến triển lâu ngày da càng ngày càng sẫm mầu, tăng nhiễm cộm, bề mặt xù xì thô ráp, sờ nền cứng cộm, các hằn da nổi rõ, ở giữa các hằn da có các sẩn dẹt như trong bệnh lichen, quá trình này gọi là lichen hoá. Ngứa tồn tại dai dẳng.

Điều trị chung:

  • Với eczema đang trong giai đoạn cấp tính cần nghỉ ngơi, hạn chế chất kích thích (cà phê, rượu...).

  • Tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên nếu phát hiện được.

  • Tránh cào gãi, chà xát, tránh xà phòng.

  • Nếu có nhiễm khuẩn rõ (sốt, bạch cầu tăng cao, tồn thương sưng tấy đau, nồi hạch, có mủ vẩy tiết) cho dùng kháng sinh uống 1 đợt 7-10 ngày (Tetracyclin, Erythromycin).

  • Cho thuốc giải cảm, chống ngứa, chống dị ứng là thuốc kháng sinh Histamin tổng hợp. Eczema đang vượng lan rộng, có ban dị ứng thứ phát có thể chỉ định Corticoids uống một đợt nếu không thấy chống chỉ định.

Điều trị tại chỗ:

  • Đối với eczema cấp tính chảy nước, loét trợt, dùng các thuốc dịu da, sát khuẩn, chống ngứa, ráo nước như đắp gạc dung dịch thuốc tím pha loãng 1/4000, nước muối sinh lý 9 %, Nitrat bạc 0,25 %, Rivanol 1 %, dung dịch Yarish trong 5-7 ngày đầu sau đó bôi thuốc màu dung dịch tím Metin 1 %, dung dịch Milian, kết hợp hồ nước.

  • Khi tổn thương khô cho bôi tiếp dầu kẽm cream, mỡ corticoid kết hợp kháng sinh (cream Synalar, Neomycin, cream Celestoderm, Neomycin...).

  • Với eczema mạn tính có thể dùng Gondron, Coaltar, mỡ Corticoids hoặc mỡ Corticoid và axit salicylic như mỡ Diprosalic. Tốt nhất cháu tới bác sĩ da liễu để được giải đáp và chữa trị đúng phác đồ.

Chúc cháu mạnh khỏe!

 

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn