Hỗ trợ trực tuyến
Tư vấn viên
Bs Trịnh Thị Phượng
Đối tác
BỆNH VẢY NẾN

BỆNH VẢY NẾN

 

Bệnh vảy nến là bệnh da mạn tính. Có người cho rằng đó là một trong các “nỗi khốn khổ của con người” làm cho người bệnh trong tâm trạng xấu hổ và ngượng ngùng. Bản thân người bệnh cảm thấy sợ chính họ. Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuổi thường gặp:

Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Yếu tố sinh bệnh:

Bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn. Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc … có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.


Biểu hiện:

Vảy nến thể thông thường, gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Vảy nến thể đặc biệt: thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân-bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng-khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc.

Vảy nến thể thông thường có biểu hiện đặc biệt và thường dễ chẩn đoán. Biểu hiện là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn.

Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay- bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương.

Một số người bệnh chỉ bị tổn thương ở đầu hoặc bàn tay-bàn chân. Bệnh ở da đầu có đặc điểm là nhiều vảy da bong, không gây rụng tóc nhưng  hay ngứa và gây phiền phức cho người bệnh vì vảy da bong liên tục.

Trái lại, các thương tổn vảy nến ở kẽ mông, sinh dục thì lại có ít vảy da do vùng da đó ẩm ướt. Móng tay, móng chân bị tổn thương với biểu hiện móng bị tách, móng sùi dễ gãy, có các vết rỗ trên móng. Tổn thương móng trong vảy nến dễ bị chẩn đoán nhầm là nấm móng. Thương tổn móng có thể cùng với thương tổn khớp do vảy nến và cũng là biểu hiện làm cho người bệnh rất ngại ngùng khi giao tiếp. Hơn nữa, nhiều trường hợp gây biến dạng móng và khớp để lại di chứng trầm trọng cho người bệnh. Để chẩn đoán bệnh có thể làm sinh thiết tổ chức da bị bệnh. Trường hợp bệnh xuất hiện đột ngột và nặng có thể do suy giảm miễn dịch trong đó cần xét nghiệm HIV.

 

Điều trị:

Điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng. Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu. Thầy thuốc sẽ chỉ định cụ thể thuốc bôi và cách bôi cho từng trường hợp bệnh, tuỳ theo vị trí thương tổn và sự đáp ứng với các thuốc bôi. Có thể phối hợp các thuốc bôi khi điều trị hoặc thuốc bôi với các thuốc toàn thân. Các thuốc bong vảy da và làm mềm da rất quan trọng và cần phải bôi liên tục, duy trì lâu dài. Trường hợp người bệnh bị bệnh thể nặng, thương tổn nhiều thì phải phối hợp thuốc bôi tại chỗ với thuốc toàn thân.

Điều trị vảy nến có thể sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp các thuốc để tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc. Có thể sử dụng liều tấn công cho bệnh giảm nhanh, sau đó duy trì, hoặc có thể dùng trị liệu xoay vòng, nghĩa là dùng một phác đồ điều trị trong một thời gian, sau đó có thể chuyển sang các phương pháp điều trị khác, rồi có thể quay lại các phác đồ trước đó.
Lưu ý:

 

Vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục.

Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.

Ngày nay, khoa học hiểu rõ bệnh vảy nên không đơn thuần là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa.

 

 

HÃY ĐẾN VỚI PHÒNG KHÁM DA LIỄU 187 PHỐ ĐẶNG TIẾN ĐÔNG ĐỂ ĐƯỢC KHÁM, TƯ VẤN, ĐIỀU TRỊ!

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn